Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Làng quê mới trên đất nông trường

08:36 - Thứ Hai, 22/04/2024 Lượt xem: 1942 In bài viết

ĐBP - Thôn C9, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) từng là một đơn vị sản xuất thuộc Nông trường Quốc doanh Điện Biên. Ngày nay, sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 66 năm ngày thành lập Nông trường Quốc doanh Điện Biên, mảnh đất ấy đã có nhiều sự thay đổi, nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông Phạm Hải Dương mở thêm dịch vụ máy xay xát để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Ngược dòng lịch sử, bốn năm sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, theo quyết định của Bộ Tổng tham mưu, ngày 8/5/1958, Trung đoàn 176 đã tổ chức Lễ ra mắt Nông trường Quân đội Điện Biên gồm 1.954 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi đại đội của Trung đoàn là một đơn vị sản xuất của Nông trường được bố trí xen kẽ với các xã, bản khu vực lòng chảo Điện Biên và 2 đại đội được bố trí ở khu vực Mường Ảng, các đơn vị sản xuất của Nông trường vẫn gọi là C. Nông trường có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa phá dỡ bom mìn, khai hoang, cải tạo đồng ruộng để phát triển sản xuất, đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đến năm 1960, Nông trường được chính thức đổi tên thành Nông trường Quốc doanh Điện Biên. Với khẩu hiệu “Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy Nông trường làm gia đình”, những chiến sĩ Điện Biên trở lại chiến trường cùng lực lượng thanh niên xung phong tham gia vào Nông trường Điện Biên, bước vào trận chiến mới: khắc phục chiến tranh, khôi phục sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh thôn, trên con đường bê tông trải dài cạnh cánh đồng xanh mơn mởn, bà Lê Thị Phương, Bí thư Chi bộ thôn C9, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) cho biết: Ở thôn C9 hầu hết là những chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp ở lại, đưa vợ con từ dưới xuôi lên sinh sống và xây dựng nông trường. Khi chuyển sang nông trường, các bác trồng lúa, rau màu, rồi đến những lớp con cháu chúng tôi kế tiếp cũng phát huy tinh thần của thế hệ trước, cùng nhau xây dựng thôn C9 ngày một tốt đẹp hơn. Nhân dân trong thôn đoàn kết thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống, nhiều hộ gia đình khá giả, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhà cửa được đầu tư xây dựng khang trang.

Chiến sĩ Điện Biên Hoàng Văn Khá kể lại quá trình xây dựng Nông trường Quốc doanh Điện Biên với con cháu.

Là người lính từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau chiến thắng, chiến sĩ Điện Biên Hoàng Văn Khá (sinh năm 1932), cùng vợ con ở lại xây dựng Nông trường, lái máy kéo, máy cày, cải tạo đồng ruộng để phát triển sản xuất. Chiến sĩ Điện Biên Hoàng Văn Khá chia sẻ: Ngày ấy, tôi là chiến sĩ thuộc Đại đoàn 316, tham gia công tác hậu cần, phục vụ chiến trường. Sau khi quân đội ta giành chiến thắng, tôi ở lại C9 xây dựng nông trường. Lúc chúng tôi bắt đầu xây dựng, ở đây toàn là bãi lầy, đi lại khó khăn, phải dùng máy san ủi bằng để có đường đi lại. Giờ đây, thôn thay đổi nhiều rồi, nhà cửa khang trang, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, có nhà văn hóa để bà con tham gia tập luyện thể dục thể thao, văn nghệ, sinh hoạt. Đó là những thay đổi mà trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Ông Hoàng Văn Đồng, Con trai chiến sĩ Điện Biên Hoàng Văn Khá, thôn C9, xã Thanh Xương chia sẻ: Chúng tôi tự hào khi có bố tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và xây dựng nông trường. Tuy năm nay, ông đã 95 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn, kể chuyện chiến đấu, xây dựng nông trường cho thế hệ con cháu chúng tôi nghe, học tập. Ông luôn căn dặn chúng tôi phải tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ phát triển kinh tế, tôi còn tham gia vào công việc của thôn như làm Trưởng thôn C9 từ năm 2006 - 2013, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên tại đây nên thấy được sự thay đổi rõ rệt của thôn, đường xá được bê tông hóa tận ngõ của từng nhà gia đình, đời sống vật chất và tinh thần của người dân có nhiều khởi sắc.

Các trục đường chính, đường liên thôn C9 được bê tông hóa.

Thôn C9, xã Thanh Xương có 141 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Đến với thôn C9 hôm nay là hình ảnh làng quê trù phú, không có hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm, 100% đường trong thôn đã được bê tông hóa, có hệ thống đèn đường chiếu sáng, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự luôn được đảm bảo, không có tình trạng trộm cắp vặt. Năm 2020, thôn C9 được UBND huyện Điện Biên ban hành quyết định công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhân dân trong thôn đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, vươn lên là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Điển hình như gia đình ông Phạm Hải Dương, bên cạnh việc canh tác ruộng lúa, ông còn mở thêm dịch vụ máy xay xát và chăn nuôi gia cầm.

Ông Phạm Hải Dương, thôn C9, xã Thanh Xương cho biết: Bố tôi nguyên là chiến sĩ Điện Biên, tham gia trận đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng từng là Bí thư Chi bộ thôn C9. Tôi luôn được bố căn dặn, phải phát huy truyền thống của con em cán bộ nông trường, cố gắng phấn đấu xây dựng quê hương. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, tôi mở thêm dịch vụ máy xay xát, kết hợp với trồng 3.000m2 lúa và rau màu, nuôi gà, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Trong xây dựng thôn, bản kiểu mẫu, gia đình tôi luôn tiên phong, gương mẫu, đi đầu, đóng góp công, góp của để xây dựng thôn. 

Thôn C9 ngày nay.

C9 ngày nay đã thay da đổi thịt, đời sống của người dân được cải thiện rõ nét từ vật chất đến tinh thần. Sự thay đổi đó là bởi sự đoàn kết, gắn bó của nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng một C9 ngày một giàu đẹp.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận
Back To Top